Trang chủ / Blog / Nghề Nuôi Lươn Đồng Truyền Thống Và Những Điều Cần Biết

Nghề Nuôi Lươn Đồng Truyền Thống Và Những Điều Cần Biết


Từ lâu loài Lươn đã được biết đến với giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến được rất nhiều món ăn để bồi bổ cơ thể và cả trị bệnh nữa.
Món Lươn cũng là món được ưa chuộng trong nhà hàng, quán ăn, và cả xuất khẩu nữa.
Chính vì thế loài Lươn đã được người ta tìm hiểu và nuôi rất nhiều để đáp ứng nhu cầu cao hiên nay. Hiện tại trên thị trường lươn có giá khoảng 160 ngàn đồng/kg với loại lươn >200gr.

Bài viết này sẽ chia sẽ với quý vị một số đặc điểm của kỹ thuật nuôi lươn đồng tự nhiên.
Lươn là một loài thủy sản nước ngọt, thích sống ở khu vực đầm lầy, ruộng, mương,…nơi có bùn đất, cỏ lúa để trú ẩn, chui rúc và kiếm thức ăn. Lươn là loài ăn tạp, nó có thể ăn động vật nhỏ, cá, ốc, rễ cây, côn trùng,… Quý vị có thể tìm hiểu thêm thông tin về đặc tính của loài lươn ở bài viết Tìm hiểu về loài lươn cùng chuyên mục này nhé. Trong bài viết này sẽ trình bày nôi dung về kỹ thuật nuôi lươn đồng.


1. Môi trường và điều kiện chăn nuôi lươn đồng như thế nào?

Ao nuôi: ao nuôi có thể bằng ao đất, ao xây bằng gạch, hoặc quây kín bằng cây tre gỗ hay bạt nhựa. Loài lươn thích sống ở những nơi có bùn cao từ 0.5 – 0,8m, có cỏ cây, lá,...che mát để lươn trú ẩn. Đặc biệt lươn sẽ sinh trưởng tốt hơn nếu nước có tốc độ chảy chậm, nhẹ (hơn là nước lặng hoặc chảy quá mạnh). Ao nuôi lươn thường có bùn đất chiếm 2/3 diện tích. Có thể tận dụng đầm, đìa, ruộng, mương chặn đắp làm ao hoặc xây thành, vây bạt. Cần tạo các giá thể để lươn ẩn nấp như bùn đất, cỏ cây,…

Môi trường nước: nước nuôi lươn cần đảm bảo các điều kiện cơ bản như sau:
Nhiệt độ nước từ 25 - 30 độ C.
Độ pH từ 6.5 – 8.5
Nồng độ NO­2-N < 0.05mg/l
Nồng độ NH3- N < 0.05mg/l
Nồng độ H2S < 0.1mg/l
Nước cần được xử lý kỹ trước khi nuôi lươn. Mực nước cần cao hơn bùn 30 - 50cm, và cách thành ao 10 - 20cm để tránh lươn bò ra ngoài.
2. Chọn giống và thả giống rất quan trọng trong nuôi lươn
Chọn giống lươn để nuôi: Có thể sử dụng lươn giống tự nhiên thuần hóa để nuôi, loại 40 con/kg. Cần thuần hóa và theo dõi lươn 15 - 20 ngày nếu lươn không vấn đề gì mới bắt đầu thả nuôi được.
Sử dụng giống nhân tạo, lai tạo tầm 25g/con, lươn giống này cũng cần được nuôi giống phân loại, lọc lựa tầm 20 ngày, nếu lươn ổn định thì bắt đầu thả nuôi thương phẩm được.
Khi lựa chọn lươn giống càn lưu ý chọn những con lươn đồng đều, sáng màu, nhanh nhẹn và không bị xây xát tránh việc lươn bị chết do không cạnh tranh được hoặc bị nhiễm bệnh do xây xát.
Quá trình thả giống lươn để nuôi:
Kiểm tra làm sạch và khử trùng nước, ao nuôi trước khi thả giống.
Trước khi cho thả lươn để nuôi cần chú ý khâu xử lý vệ sinh, kiểm tra môi trường nước, đặc biệt là ao hồ, bùn đất nuôi theo kiểu tự nhiên. Khử khuẩn nước ao bằng vôi 1 - 2kg/m3, thuốc tím 4 - 5ppm. Dùng vôi nông nghiệp 3 - 5kg/m3 nước để khử phèn và tạo màu nước cho ao, diệt trùng bằng Iodine 0,3g/m3.
Trước khi thả nên tắm lươn bằng nước muỗi loãng 1 - 3% trong vòng 1 - 2 phút. Như thế lươn sẽ sạch sẽ hơn đỡ bị ký sinh mầm bệnh hơn. Để đảm bảo hơn trước khi thả lươn nên thả một ít cá rô phi hoặc cá chép để thử nước tầm 2 - 3 ngày nhé. Giai đoạn Giống nên phân chia lươn đồng đều, có thể tách khu vực để nuôi lươn nhỏ và lớn khác nhau.
Mật độ thả nuôi lươn có thể thả trung bình là 100 con/m2 nếu khả năng chăm sóc tốt có thể đạt 500 con/m2.

3. Cho lươn ăn và chăm sóc lươn hằng ngày như thế nào?
Thức ăn cho Lươn: Lươn là loài ăn tạp. Thức ăn của lươn có thể sử dụng cá nhỏ, tôm tép, cua ốc, côn trùng, rau cỏ,…xay nhuyễn trộn đều và cho lươn ăn. Có thể kết hợp ăn thêm cám công nghiệp hoặc tự sản xuất cám viên cho lươn ăn sẽ tốt hơn nếu có điều kiện.
Cho lươn ăn cần chú ý “nguyên tắc 4 định” – Định lượng, định chất, định thời gian, định vị trí.
Định lượng: cho lươn ăn cần phải ăn đủ no, đầu vụ thường cho lươn ăn 3 - 4% trọng lượng lươn thả nuôi, cuối vụ lươn lớn thì cần cho ăn 5 - 8% trọng lượng lươn. Và cần lưu ý thêm là ở những thời điểm nhiệt độ cao hơn lươn sẽ ăn nhiều hơn. Nhưng không nên cho ăn quá nhiều lượn tham ăn dễ bị bội thực chết, và thức ăn thừa gây ô nhiễm ao nuôi.
Định chất: Thức ăn của lươn chú ý cần tươi, sạch để hạn kế lượn bị bênh ký sinh trung. Thức ăn cho lươn cần đảm bảo dinh dưỡng, độ đạm từ 35 - 40 để đáp ứng cho lươn sinh trưởng được tốt. Cần bổ sung thêm vitamin, Enzyme tiêu hóa, thuốc cho thức ăn của lươn để giúp lươn khỏe hơn, ít bệnh.
Định thời gian: lươn thường thích ăn vào buổi chiều, tầm 3 - 5 giờ. Cần cho lươn ăn theo khung giờ nhất định tạo tín hiệu để lươn lên ăn đúng giờ.
Định vị trí: Nên cho ăn ở những điểm nhất định và có tín hiệu để lươn tới ăn đúng vị trí và đồng đều hơn. Không nên thay đổi vị trí liên tục.
Cần chú ý thay nước 2 - 3 ngày, thường xuyên vớt bỏ thức ăn thừa và cặn bã, làm sạch nước, tốt hơn nên tạo dòng lưu chuyển chậm nhẹ của nước cho lươn. Chú ý che mát cho ao nuôi để duy trì nhiệt độ nước tốt cho lươn.


4. Phòng và trị bệnh cho lươn như thế nào?

Bệnh ở Lươn: bênh ở lươn đa phần phổ biến gặp là bệnh nhiễm khuẩn nội ký sinh đường ruột làm lươn bỏ ăn, bò lên bờ hoặc chui trong bùn đất chết. Đối với bệnh này chúng ta cần chủ động phòng tránh bằng cách bổ sung Vitamin C (5g/ký thức ăn), men tiêu hóa (1 - 2g/kg thức ăn),…vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho lươn.
Lươn sốc pH do môi trường thay đổi độ pH đột ngột cũng làm lươn bị sốc và chết. Cần thường xuyên kiểm tra thông số nước để điều chỉnh pH phù hợp và ổn định hơn.
Lươn nhiễm khuẩn ngoại ký sinh do lươn bị xây xát, tiếp xúc nước bẩn. Cần hạn chế thả lươn bị xây xát cơ thể vào nuôi, tắm lươn giống trước khi thả, cần vớt tách lươn bệnh hoặc chết ra khỏi ao, tránh các vật nhọn, cúng, vách cạnh trong ao nuôi.
Ngoài ra một số bệnh ít gặp nhưng khó chữa trị và tỉ lệ chết cao như bệnh phù đâu, khiến lươn ngoi lên, bỏ ăn. Cần thay nước ao, che mát đầy đủ cho ao nuôi.
Lươn là loài tương đối ít bênh hơn so với cá, tôm,…tuy nhiên để hạn chế rủi ro bà con chăn nuôi cần lưu ý theo dõi sát sao thường xuyên môi trường và thức ăn cho lươn nhé.

5. Thu hoạch lươn như thế nào?
Lươn thường có tốc độ sinh trưởng tương đối chậm, vụ lươn thường kéo dài từ 6 - 8 tháng. Có thể thu hoạch một lần hoặc chia ra từng phần, vớt hết các vật, bề mặt trú ẩn lên, tháo nước và dùng vợt để xúc lươn. Với 6, 7 tháng nuôi lươn có thể đạt trung bình 200 - 250gr/con, với giá bán tầm hơn 100 - 160 ngàn đồng/ký.
Đây là loài vật nuôi cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhiều hình thức, quy mô nuôi dạng gia đình, hoặc trang trại lớn, giúp bà con có thể chăn nuôi để đem lại thu nhập khá tốt.
Trên đây là một số thông tin hữu ích cho bà con để chăn nuôi lươn.
Ở các bài sau chúng tôi sẽ giới thiệu tới quý vị mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi lươn bể bạt quý vị quan tâm có thể đón đọc nhé!
Chúc bà con vụ mùa bội thu.